Camera ‘Made in Việt Nam’, xóa tan nỗi lo bảo mật

Tin Tức ICT | Th07 05, 2021

Và để giúp người dùng có thêm thông tin xung quanh việc sử dụng camera an ninh, hậu quả khi sử dụng camera không rõ nguồn gốc, cũng như lựa chọn được những giải pháp giám sát an toàn và bảo mật, chúng ta hãy cùng trò chuyện với ông Nguyễn Việt Bằng - Phó Tổng Giám đốc Công ty VNPT Technology, để hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Ngày càng nhiều những vụ rò rỉ, phát tán hình ảnh nhạy cảm được trích xuất từ các camera an ninh, khiến người dùng lo ngại. Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân?

Ông Nguyễn Việt Bằng: Phần lớn các camera hiện nay đều là IP camera, tức là thiết bị camera có vi xử lý và hệ điều hành, có khả năng kết nối internet, cho phép truy cập từ xa, nói cho dễ hiểu là nó hoạt động hoàn toàn độc lập như một máy tính.

Bên cạnh đó thì camera giám sát cũng là một loại thiết bi IoT, tức là nó có khả năng kết nối tới máy chủ của nhà cung cấp phục vụ để quản lý thiết bị, bảo hành bảo trì, nâng cấp firmware… khi cần.

Đây cũng là 2 nguyên nhân chính dẫn đến việc rò rỉ hình ảnh từ camera giám sát: có thể từ phần mềm không rõ nguồn gốc cài sẵn trên camera chủ động gửi thông tin ra bên ngoài, và hai là qua truy nhập từ bên ngoài vào thiết bị thông qua các lỗ hổng bảo mật mạng, hoặc bị lộ mật khẩu.

Nhưng vẫn có một trường hợp thứ 3, do các camera thông dụng thường không mã hóa luồng tín hiệu video, nên khi đã chủ động xác định mục tiêu tấn công, hacker có thể bắt các luồng video trên đường truyền (thông qua capture gói tin) mà không cần truy nhập camera, ngay cả khi camera không hề có lỗ hổng bảo mật. Tất nhiên, ở mức tấn công cao hơn thì thường hacker lại nhắm đến những đối tượng có chủ đích.

Cũng vì camera hoạt động như một chiếc máy tính, nên khi bị cài đặt các phần mềm có mục đích xấu (backdoor, trojan…), nó sẽ “bị” sử dụng như một công cụ để huy động tấn công mạng cũng như dò quét/ truy nhập các thiết bị khác trong gia đình thông qua mạng nội bộ (Wi-Fi, cắm dây).

Thực tế trên thế giới và cả Việt Nam, nhiều cuộc tấn công mạng quy mô đã được thực hiện bằng cách kích hoạt cùng lúc phần mềm gián điệp cài sẵn trên hàng ngàn camera giám sát.

Vấn đề này thường xảy ra đối với các camera an ninh như thế nào? Và theo ông thì người dùng nên có biện pháp gì trước thực trạng này?

Ông Nguyễn Việt Bằng: Trước đây khi camera an ninh còn là những thiết bị khá mới lạ, thì người dùng thường phụ thuộc khá nhiều vào nhà cung cấp, lắp đặt, có gì lắp đó. Rất may là kiến thức về công nghệ của người dùng nói chung cũng đã tốt hơn rất nhiều, họ hiểu biết hơn, cũng như có thể tự tìm kiếm các nguồn thông tin đáng tin cậy trước khi lắp đặt camera.

Xu hướng gần đây cho thấy, người dùng đã bắt đầu lựa chọn các thiết bị giám sát của các thương hiệu uy tín, các sản phẩm ‘Made in Việt Nam’ đang ngày càng được người tiêu dùng đón nhận. Và đây thực sự là cơ hội tốt cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển, mở rộng thị trường camera an ninh nói riêng và các sản phẩm thiết bị có kết nối internet, IoT nói chung.

Sản phẩm IP camera và giải pháp giám sát ngôi nhà thông minh Home của VNPT Technology ra mắt vào tháng 10 năm ngoái có phải để đón đầu xu hướng này, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Bằng: IP camera là một phần của giải pháp giám sát ngôi nhà thông minh Home Vision, và là một thành phần trong hệ sinh thái ONE Home mà VNPT Technology đang dần hoàn thiện và sẽ sớm giới thiệu trọn bộ ra thị trường.

Với ONE Home, chúng tôi kỳ vọng sẽ góp phần xây dựng xã hội số thông qua việc xây dựng các gia đình số. Sản phẩm được phát triển từ kết quả của đề tài KHCN cấp nhà nước KC.01 “Nghiên cứu, thiết kế và chế tạo hệ thống camera có tính bảo mật cao” do VNPT Technology chủ trì thực hiện, thuộc Chương trình “Nghiên cứu công nghệ và phát triển sản phẩm CNTT phục vụ Chính phủ điện tử”, đã được hoàn thành và nghiệm thu vào tháng 6/2020.

Đây là sản phẩm 100% do VNPT Technology thiết kế cả phần cứng và phần mềm, được sản xuất tại nhà máy của Công ty, với nguồn linh kiện từ các nhà cung cấp uy tín trên thế giới. Chúng tôi tự tin IP camera và Home Vision sẽ mang đến sự lựa chọn an toàn và bảo mật cho người dùng.

 “Sinh sau, đẻ muộn”, vậy HOME Vision có thế mạnh gì để có thể tự tin cạnh tranh với những sản phẩm khác, thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Bằng: Cùng với kinh nghiệm thiết kế, nghiên cứu phát triển phần cứng phần mềm, chúng tôi cũng đã nghiên cứu rất kỹ nhu cầu của người dùng, xu hướng tiêu dùng mới. VNPT Technology cũng đã cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước trên 10 triệu thiết bị đầu cuối, phần lớn trong số đó là các thiết bị mạng viễn thông có độ phức tạp, yêu cầu chất lượng và độ tin cậy cao. Nhờ các ưu thế kể trên, chúng tôi tự tin sản phẩm HOME Vision có thể cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Bên cạnh đó, về mặt an toàn thiết bị, sản phẩm HOME Vision được áp dụng kế thừa một số tính năng bảo mật chống tấn công đã được nghiên cứu thành công trên sản phẩm camera an toàn thuộc đề tài KC.01.

Hiện tại, chúng tôi đã và đang nghiên cứu phát triển các tính năng/ dịch vụ AI (trí tuệ nhân tạo) được xử lý ngay trên camera hoặc dựa trên điện toán biên/ điện toán đám mây, cho phép nhận diện người nhà, người lạ và kẻ xấu (ví dụ như trong hồ sơ truy nã…), các truy nhập trái phép (leo, trèo…), hay giám sát trẻ em…

Ngoài ra, Mobile App (dành cho điện thoại thông minh, máy tính bảng và đã có sẵn trên các hệ điều hành Android và iOS) hoàn toàn do Công ty phát triển. Hệ thống lưu trữ trên đám mây (cloud storage), hệ thống bảo hành bảo trì hỗ trợ kỹ thuật… đều được vận hành trên nền điện toán đám mây của VNPT, cho phép kịp thời cập nhật phần mềm trên thiết bị nếu có các vấn đề bảo mật/ tấn công mạng, hoặc các tính năng dịch vụ AI mới. Đây cũng là yếu tố góp phần thuyết phục khách hàng về tính an toàn an ninh, tin cậy của sản phẩm.

Giá thành của HOME Vision ra sao và VNPT Technology hướng đến phân khúc nào thưa ông?

Ông Nguyễn Việt Bằng: Hiện tại, sản phẩm HOME Vision được cung cấp cho các hộ gia đình, có nhu cầu sử dụng trên dưới 10 camera trong nhà, cùng phân khúc với các camera giám sát dân dụng phổ biến trên thị trường. VNPT Technology cũng có giải pháp camera giám sát dùng cho doanh nghiệp với khả năng quản lý từ vài trăm tới hàng ngàn camera. Về giá thành, hiện nay VNPT Technology hàng tháng sản xuất 150.000 – 200.000 thiết bị điện tử các loại, có chuỗi cung ứng linh kiện đa dạng, tin cậy, ổn định với giá đầu vào tốt nhờ số lượng lớn, cho phép đưa ra sản phẩm có giá thành cạnh tranh với các camera cùng phân khúc trên thị trường.

Trở lại với về vấn đề bảo mật, ông có lời khuyên gì đối với người dùng để tránh tình trạng bị hack camera và những rủi ro không đáng có?

Ông Nguyễn Việt Bằng: Trước tiên, người dùng nên sử dụng camera có nguồn gốc rõ ràng, được cung cấp bởi các thương hiệu uy tín, có khả năng cập nhật firmware thường xuyên nhằm vá các lỗ hổng bảo mật.

Sau khi lắp đặt, người dùng cần đặt/ đổi lại mật khẩu truy nhập; truy nhập camera từ các thiết bị đáng tin cậy (điện thoại cá nhân, máy tính riêng…), và nên đổi mật khẩu định kỳ thay vì dùng mãi mãi.

Với mạng nội bộ gia đình, cần cấu hình firewall trên modem/router chỉ mở các port có sử dụng và chặn tất cả các port còn lại, nhằm hạn chế nguy cơ camera bị hack từ bên ngoài, cũng như hạn chế được khả năng thông tin hình ảnh bị gửi ra ngoài trong trường hợp camera bị cài  phần mềm gián điệp.

Hầu hết các IP camera hiện nay đều cho phép lưu trữ hình ảnh video trên thẻ nhớ cắm trên camera, các thiết bị lưu trữ khác trong mạng nội bộ (như ổ cứng trên máy tính hay NAS), hoặc lưu trữ trên đám mây của nhà cung cấp. Trong trường hợp sử dụng dịch vụ lưu trữ đám mây, cần lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy.

Cảm ơn ông và chúc cho VNPT Technology ngày càng được người dùng tin yêu.

Tin tức khác