NGÀNH SẢN XUẤT TOÀN CẦU TĂNG TRƯỞNG TRỞ LẠI - CƠ HỘI CHO DOANH NGHIỆP VIỆT TĂNG TỐC ĐẦU TƯ CÔNG NGHỆ

Tin Tức ICT | Th07 09, 2025

Theo báo cáo PMI ngành sản xuất toàn cầu do J.P.Morgan công bố mới đây, điều kiện sản xuất toàn cầu đã có chuyển biến tích cực trong tháng 6/2025, lần đầu tiên ghi nhận sự tăng trưởng sau ba tháng suy giảm liên tiếp. Báo cáo cho thấy sản lượng tăng, đơn hàng mới ổn định trở lại, phản ánh tín hiệu phục hồi từ các nền kinh tế chủ chốt.

Nguồn: Home Appliances, 2024

Sản lượng tăng mạnh ở các nền kinh tế chủ lực
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động, ngành sản xuất thế giới vừa ghi nhận tín hiệu tích cực đầu tiên sau nhiều tháng suy giảm. Theo báo cáo mới nhất từ J.P.Morgan Global Manufacturing PMI, chỉ số PMI sản xuất toàn cầu trong tháng 6 đã tăng lên 50,3 điểm, vượt ngưỡng trung lập 50, cho thấy khu vực sản xuất đã quay trở lại trạng thái phát triển sau ba tháng liên tiếp suy giảm. Động lực chính đến từ các nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản – những thị trường ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng đáng kể, giúp chỉ số sản xuất toàn cầu đạt 51,3 điểm, mức cao nhất trong bốn tháng qua. Theo bà Maia Crook, Chuyên gia kinh tế toàn cầu tại J.P.Morgan, sự phục hồi này là tín hiệu cho thấy nhu cầu thị trường đang ổn định trở lại, với các chỉ số đơn hàng mới và đơn hàng xuất khẩu cũng dần phục hồi.

Trong khi đó, khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) tiếp tục tăng trưởng, dù với tốc độ chậm hơn so với tháng trước. Ấn Độ duy trì vị thế là nền kinh tế sản xuất có sự đột phá nhanh nhất trong nhóm các quốc gia lớn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm nghẽn, khi Anh, Brazil, Mexico và Nga tiếp tục ghi nhận sự suy giảm sản lượng.

Thị trường việc làm có cải thiện nhưng vẫn còn thận trọng
Một điểm sáng khác đến từ thị trường lao động toàn cầu. Dù việc làm trong ngành sản xuất thế giới ghi nhận sự suy giảm tới tháng thứ 11 liên tiếp, dù vậy, tốc độ sụt giảm đã chậm lại đáng kể – đạt mức thấp nhất trong 10 tháng vừa qua. Đáng chú ý, Mỹ, Nhật Bản và Ấn Độ đều ghi nhận tăng trưởng việc làm trong lĩnh vực sản xuất, phần nào bù đắp cho mức giảm ở Trung Quốc, Eurozone và Anh.

Nguồn:Shoeib Abolhassani, 2020

Đơn hàng mới và phân khúc đầu tư ghi nhận tín hiệu phục hồi
Đơn đặt hàng mới – một chỉ số quan trọng phản ánh nhu cầu toàn cầu – đã quay lại xu hướng tăng lần đầu tiên sau ba tháng. Trung Quốc và Hoa Kỳ dẫn đầu đà hồi phục, trong khi các thị trường như Nhật Bản, Brazil hay Anh vẫn tiếp tục giảm. Đáng chú ý, Eurozone cũng đã kết thúc chuỗi 37 tháng sụt giảm liên tiếp, chuyển sang giai đoạn ổn định. Tất cả các phân khúc – từ hàng tiêu dùng, hàng trung gian đến hàng tư liệu sản xuất – đều ghi nhận sản lượng tăng, dù tốc độ ở nhóm hàng tiêu dùng có phần chậm hơn.

Tuy nhiên, sự phục hồi này cũng đi kèm với những khác biệt lớn về áp lực chi phí. Hoa Kỳ chứng kiến giá đầu vào và giá bán tăng mạnh trở lại, trong khi Trung Quốc và Eurozone lại ghi nhận xu hướng thụt lùi. Những biến động này phản ánh sự phân hóa trong áp lực lạm phát giữa các khu vực và tiếp tục là yếu tố cần được theo dõi sát sao trong thời gian tới.

Dù dữ liệu tháng 6 mang lại sự lạc quan nhất định, tâm lý doanh nghiệp toàn cầu vẫn thận trọng. Mức độ lạc quan về triển vọng kinh doanh không thay đổi so với tháng 5 và vẫn dưới mức trung bình dài hạn trong 15 tháng liên tiếp. Điều này cho thấy các doanh nghiệp vẫn đang đối mặt với nhiều bất định, đặc biệt là những rủi ro đến từ các chính sách thuế quan, gián đoạn chuỗi cung ứng và biến động địa chính trị.

Cơ hội cho ngành công nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp sản xuất công nghệ cao
Với Việt Nam – quốc gia ngày càng hội nhập sâu vào chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu, báo cáo PMI tích cực là tín hiệu đáng chú ý. Đặc biệt đối với các doanh nghiệp công nghệ – sản xuất như VNPT Technology, đây là thời điểm quan trọng để:

  • Gia tăng hợp tác quốc tế trong sản xuất thiết bị công nghệ cao, đặc biệt trong lĩnh vực OEM/ODM;
  • Đón đầu đơn hàng mới từ các thị trường lớn đang phục hồi;
  • Tối ưu năng lực sản xuất, quản trị rủi ro chi phí đầu vào, tận dụng chênh lệch giá nguyên vật liệu giữa các khu vực;
  • Và đồng thời, tiếp tục đầu tư vào công nghệ, tự động hóa, sản xuất thông minh – những nền tảng then chốt để duy trì năng lực cạnh tranh.
Nguồn: Source of Asia, 2023

Là đơn vị chủ lực trong hệ sinh thái công nghệ – công nghiệp của VNPT, VNPT Technology luôn theo sát các biến động vĩ mô toàn cầu để chủ động điều chỉnh chiến lược vận hành, đáp ứng linh hoạt nhu cầu khách hàng và xu hướng thị trường, góp phần đưa ngành sản xuất công nghệ Việt Nam vươn tầm khu vực.

 

Bài viết được biên dịch và biên tập lại từ bài gốc đăng trên Manufacturing Asia, ngày 8/7/2025. Phiên bản tiếng Việt được thực hiện nhằm mục đích thông tin, không mang tính thương mại.

 

Tin tức khác