TỪ GIA CÔNG ĐẾN PHÁT TRIỂN ĐỒNG SÁNG TẠO - CHÌA KHÓA THÚC ĐẨY PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG TRONG KỶ NGUYÊN SỐ

Tin Tức ICT | Th07 10, 2025

Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt, đổi mới sáng tạo đã trở thành yếu tố sống còn đối với mọi doanh nghiệp. Trong số các chiến lược đổi mới hiện nay, Co-Innovation (đồng đổi mới sáng tạo) và Open-Innovation (đổi mới sáng tạo mở) nổi bật với hai cách tiếp cận khác biệt nhưng đều hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả sáng tạo, thúc đẩy tăng trưởng và thích nghi linh hoạt với thị trường.

Nguồn: ThisisEngineering, 2020

Co-Innovation & Open-Innovation – Hai lối đi, một mục tiêu

Co-Innovation là quá trình hợp tác sâu, dài hạn giữa một số ít đối tác chiến lược nhằm cùng nhau thiết kế, phát triển và thương mại hóa một giải pháp hoặc sản phẩm cụ thể. Tiêu biểu là quan hệ hợp tác giữa Apple và Foxconn, trong đó Apple đảm nhiệm phần thiết kế và trải nghiệm người dùng, còn Foxconn tập trung cải tiến quy trình sản xuất và chuỗi cung ứng. Đặc biệt, Co-Innovation đòi hỏi sự tin tưởng, chia sẻ dữ liệu, trách nhiệm và quyền lợi rõ ràng giữa các bên. 

Trong khi đó, Open-Innovation khuyến khích khai thác tài nguyên và ý tưởng từ cộng đồng rộng lớn – bao gồm các nhà nghiên cứu độc lập, startup, tổ chức khoa học và cả người tiêu dùng. Do đó, mô hình có tính linh hoạt cao hơn khi mời gọi cộng đồng rộng rãi tham gia đóng góp ý tưởng. Ví dụ nổi bật là P&G với sáng kiến “Connect + Develop”, nhờ đó hơn 50% sản phẩm mới được phát triển từ nguồn lực bên ngoài, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí R&D đáng kể.

Mỗi chiến lược một lợi thế

Co-Innovation mang lại sự chuyên sâu, chất lượng cao nhờ sự tập trung từ các đối tác có năng lực cao và phù hợp với các dự án cần tính ổn định và dài hạn. IKEA từng hợp tác với khách hàng thông qua khảo sát thực tế tại nhà để tối ưu hóa thiết kế sản phẩm. Boeing cũng ứng dụng đồng đổi mới để phát triển dòng máy bay 787 Dreamliner cùng các nhà cung cấp then chốt. Open-Innovation, ngược lại, giúp đẩy nhanh tiến độ đổi mới và mở rộng không gian sáng tạo. Google tổ chức hackathons thường xuyên để thu hút ý tưởng từ các nhà phát triển toàn cầu, trong khi Unilever tìm kiếm giải pháp bền vững từ hàng trăm đối tác khắp thế giới thông qua các nền tảng mở.

Google Cloud Hackathon Singapore (Nguồn: Google Cloud, 2022)

Tuy nhiên, Co-Innovation cũng có rủi ro phụ thuộc quá mức vào đối tác, gây khó khăn nếu thiếu sự đồng bộ. Trong khi đó, Open-Innovation đối mặt với nguy cơ rò rỉ thông tin và khó tích hợp các ý tưởng bên ngoài vào hệ thống nội bộ doanh nghiệp.

Chọn đúng chiến thuật để dẫn đầu cuộc chơi đổi mới

Theo báo cáo năm 2023, 80% doanh nghiệp áp dụng mô hình Open-Innovation ghi nhận tốc độ phát triển sản phẩm nhanh hơn 1,5 lần so với cách làm truyền thống. Đồng thời, các dự án Co-Innovation được quản lý tốt đạt tỷ lệ thành công lên tới 75%, đặc biệt trong các lĩnh vực như công nghiệp, ô tô, hàng không và điện tử.

Tùy vào mục tiêu và nguồn lực, doanh nghiệp cần xác định rõ ưu tiên để lựa chọn chiến lược phù hợp:

  • Co-Innovation phù hợp khi muốn xây dựng mối quan hệ dài hạn với đối tác chiến lược và phát triển sản phẩm có tính đặc thù, yêu cầu đồng hành sâu sát.
  • Open-Innovation lý tưởng trong bối cảnh cần khai thác sáng kiến nhanh, đa dạng ý tưởng và giảm chi phí nội bộ.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp thành công nhất hiện nay kết hợp linh hoạt cả hai mô hình để vừa đảm bảo chiều sâu công nghệ, vừa giữ được tốc độ đổi mới.

VNPT Technology – Kết nối sáng tạo, tăng tốc tương lai

Là doanh nghiệp công nghệ chủ lực trong Tập đoàn VNPT, VNPT Technology đang từng bước triển khai cả mô hình Co-Innovation và Open-Innovation trong chiến lược phát triển sản phẩm và hợp tác quốc tế.

Trong lĩnh vực ODM/OEM, công ty áp dụng Co-Innovation với nhiều đối tác toàn cầu để cùng phát triển thiết bị viễn thông, IoT theo chuẩn quốc tế, từ đó đẩy nhanh tiến độ thương mại hóa và tối ưu quy trình sản xuất. Đồng thời, VNPT Technology thúc đẩy Open-Innovation thông qua các chương trình hợp tác mở, tìm kiếm giải pháp AI, smart home và sản phẩm số từ các startup, viện nghiên cứu, cũng như cộng đồng lập trình viên trong nước.

Sự kết hợp giữa hai mô hình giúp công ty không chỉ đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, mà còn xây dựng hệ sinh thái công nghệ mở, linh hoạt và bền vững – hướng tới tầm nhìn ”Tiên phong công nghệ - Kiến tạo tương lai".

Tin tức khác