Ông Nguyễn Thanh Hải
Giám đốc Trung tâm Sản phẩm và Giải pháp (SPC)
Tôi rất may mắn khi có cơ hội được phỏng vấn hàng nghìn ứng viên, mỗi ứng viên là một câu chuyện đã cho tôi nhiều trải nghiệm thú vị. Đặc biệt khi thị trường tuyển dụng ngành ICT vô cùng hỗn mang trong giai đoạn này, đôi lúc làm những "người đi chọn người" như chúng tôi không khỏi chạnh lòng, nói nó như một cái chợ chắc cũng không oan, tấp nập người mua kẻ bán, đến và đi một cách chóng vánh.
Tuy nhiên, gần đây tôi khá ấn tượng với một ứng viên, có thái độ rất nghiêm túc và tôn trọng nhà tuyển dụng ngay từ những hành động cử chỉ đầu tiên, cái nhỏ thôi mà đã lâu tôi thấy vắng. Thông thường, câu hỏi cuối của ứng viên cho chúng tôi luôn là “Anh chị có thể chia sẻ về công việc, mức lương, đãi ngộ…”, tuy nhiên sau rất nhiều phần trình bày và câu trả lời từ tốn của bạn ấy là một câu hỏi khiến chúng tôi khá giật mình, “Lý do gì khiến các anh chị vẫn còn tiếp tục làm ở công ty”. Người bạn đồng hành của tôi, chia sẻ khá nhiều về một môi trường tuyệt vời… có lẽ đó là những gì rất thật trong trải nghiệm của cô ấy, nên tôi thấy mắt ứng viên ánh lên tia hy vọng về một môi trường lý tưởng. Đến khi bạn ấy hỏi tôi, tôi chỉ có một lý do duy nhất “ở đây tôi được làm những sản phẩm tầm vóc”, lúc đó tôi lại thấy ứng viên đầy sự hoài nghi, có lẽ đây cũng chính là sự trắc ẩn không chỉ của các bạn trẻ.
Sự hoài nghi và mơ hồ về một sản phẩm tầm vóc, nó cũng giống như chúng tôi mỗi lần nhận nhiệm vụ bắt đầu với một sản phẩm mới nào đó, sau một cuộc họp thượng đỉnh như thường lệ, thông tin chi tiết nhất có lẽ là một cái tên và một ước muốn rất rất hoài bão. Phần lớn chúng tôi đều không biết nó là cái gì, nhưng chỉ biết đó là một thứ cần phải rất to và rất khác. Sản phẩm to có lẽ sẽ dễ hiểu với mọi người, nó có thể đồ sộ về mặt kiến trúc, công nghệ, về tổ chức và quy mô dự án cũng như độ lớn về dung lượng thị trường. Nhưng cái khác ở đây chính là cái tâm của người làm cũng như cái tầm của sản phẩm được tạo ra. Có lẽ đây là kim chỉ nam duy nhất cho chúng tôi đi tìm câu trả lời về sản phẩm, chúng tôi cần tư duy khác, đôi lúc là đi ngược lại với số đông để tìm chỗ đứng cho riêng mình.
Những câu chuyện thường được kể lại với những sản phẩm thành công nối tiếp thành công. Được sự tung hô, được trao giải thưởng, báo chí và truyền thông. Đằng sau đó là bao đêm không ngủ của anh em team dự án. Một kỉ niệm vừa đáng trách vừa đáng thương, khi tôi được nghe "các anh em cũng sức cùng lực kiệt rồi anh ạ", anh em hàng tháng trời làm việc liên tục ngày đêm, rất nhiều bạn xa nhà mà không có nổi một ngày nghỉ cuối tuần để về quê thăm con nhỏ. Với những đối tác sự khốc liệt của dự án còn như thế, có lẽ mọi người cũng cảm nhận được phần nào sự vất của anh em nòng cốt. Chúng tôi hay đùa nhau, nếu chẳng may bị làm một công việc nhàn hơn, chắc cũng không chịu được, nó cũng giống như tập gym vậy, càng đẩy nặng thì lại càng muốn nặng hơn.
Trong các sản phẩm tầm vóc, một số ít được thành hoa hậu, được biết đến trong ánh hào quang, nhưng phần lớn sẽ là những người thầm lặng, nó là quy luật nghiệt ngã của cuộc đời chứ không riêng gì nghiên cứu và phát triển. Tuy nhiên, với nghiên cứu, sự thất bại đôi khi lại quý hơn sự thành công. Một thất bại đóng lại, nhưng nhiều câu hỏi nghiên cứu mới được mở ra. Nhiều bài học được rút kinh nghiệm, giúp chúng tôi hiểu được mình đang ở đâu, thiếu gì, cần gì để trưởng thành hơn và trẻ ra cho phù hợp với thị trường. Thắng bại là chuyện thường tình của nhà binh, ý chí con người mới làm nên giang sơn. Có lẽ không có niềm tin và tình yêu đủ lớn, khó lòng có thể vượt qua được những khó khăn gian nan này.
Khi vượt qua rồi chúng ta sẽ càng thấy thêm yêu hơn, thêm tự hào hơn về sản phẩm tầm vóc.
Vị trí, giá trị của chúng ta ở đâu trong xã hội, có lẽ để xã hội đánh giá khách quan. Cứ 03 gia đình trên đất nước Việt Nam thì có một gia đình đang sử dụng ít nhất một sản phẩm do chính con người VNPT Tech làm ra, Giải Vàng Make in Vietnam duy nhất dành cho sản phẩm Thiết bị điện tử do Bộ thông tin truyền thông trao tặng. Nền tảng số toàn diện đầu tiên phục vụ cho hơn 800 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng như được ghi nhận giải thưởng Sao Khuê, và rất nhiều những ghi nhận đóng góp khác được xã hội, tổ chức và hội đồng chuyên môn ghi nhận.
Những kết quả tuy nhỏ bé, nhưng đó là những minh chứng rõ nét nhất cho tinh thần tự lập, tự cường trong thập kỉ đầu tiên của sự phát triển công nghệ Việt, khát vọng về một Việt Nam hùng cường. Xin được trích lời Học giả Trần Trọng Kim, thay cho lời kết, "Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu-xí nhưng nó thể thể làm cho ta đỡ rét".